Xét nghiệm máu biết tình trạng ung thư

Không lâu nữa, một xét nghiệm máu đơn giản sẽ giúp dự báo khả năng tái phát bệnh hoặc sống sót của bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn đầu.

Công bố trên tạp chí Y học danh tiếng Lancet của Anh mới đây, các nhà khoa học từ Texax (Mỹ) cho biết những tế bào ung thư trong máu (CTCs) của người bệnh ở giai đoạn đầu là một chỉ thị chính xác về khả năng sống sót của bệnh nhân.

Ảnh minh họa.

Cho đến nay các xét nghiệm phát hiện CTCs chưa được dùng để chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân, vì người ta vẫn cho rằng các tế bào ung thư lây lan (di căn) theo hệ thống bạch huyết chứ không phải theo mạch máu. Và để chẩn đoán sớm ung thư vú, người ta bắt buộc phải sinh thiết các khối u - thao tác có thể gây ra tác dụng phụ khó chịu.

Nhóm các nhà đến từ trường Đại học Texas tại Trung tâm Ung thư Anderson đã nghiên cứu trên 302 bệnh nhân, đều mắc ung thư giai đoạn đầu, khi các tế bào ung thư chưa di căn.

Họ phát hiện ra CTCs trong máu của gần 1/4 số người được nghiên cứu. Trong số bệnh nhân này, 15% tái phát bệnh sau khi điều trị, và 10% tử vong trong giai đoạn nghiên cứu.

Ngược lại, ở nhóm bệnh nhân không tìm thấy CTCs, tỷ lệ tái phát bệnh sau điều trị chỉ là 3%, và nhóm tử vong chỉ là 2%.

Ngoài ra, những bệnh nhân có mật độ tế bào ung thư trong máu cao, thì tình trạng bệnh còn tồi tệ hơn nhiều, với 31% các trường hợp mắc bệnh bị chết hoặc tái phát trong thời gian nghiên cứu.

Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Anthony Lucci, cho biết: "Phát hiện này mở ra hy vọng rằng trong tương lai, xét nghiệm máu có thể được sử dụng để dự báo và đưa ra hướng điều trị chính xác hơn cho những bệnh nhân ung thư vú giai đoạn đầu. Việc phân tích CTCs hiện không có trong các chỉ dẫn y học đánh giá bệnh nhân ung thư. Nhưng các kết quả nghiên cứu cho thấy cả khả năng sạch bệnh cũng như sống sót của bệnh nhân đều giảm đi nếu bệnh nhân có tế bào ung thư trong máu".

Theo Times of India, giáo sư về ung thư học lâm sàng người Ấn Độ, P K Jhulka cho biết, các chuyên gia cũng đang tìm hiểu xem CTCs có phải là kỹ thuật tốt hơn để chẩn đoán bệnh ung thư vú hay không.   Theo VnExpress