Ghép tạng từ người cho chết não ở BV Việt Đức: Cái chết hồi sinh sự sống

Từ sáng sớm, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt Đức đã có mặt tại phòng làm việc để xem lại video clip và tấm ảnh ghi lại ca ghép gan mà ông và đồng nghiệp đã tiến hành thành công.

Nét vui tươi, phấn khởi đã xóa nhòa đi sự mệt mỏi do mất ngủ sau ca mổ... Kíp mổ lên tới...50 bác sĩ!

Tập thể các bác sỹ sau ca ghép gan thành công tại BV Việt Đức.

Sau khi được sự đồng ý của gia đình một người cho chết não, BV đã tiến hành ghép cho 2 người nhận thận và 1 người nhận gan. Kíp mổ gồm có 50 người, sau 6 tiếng đồng hồ thực hiện, 2 người được ghép thận đã về phòng điều trị bình thường. Còn người được ghép gan đến chiều ngày 22/5 đã rút nội khí quản, hiện vẫn nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt, nhưng qua xét nghiệm các chỉ số gần về bình thường, bệnh nhân đã tiếp xúc tốt. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cũng cho biết, hai ca ghép thận từ ngày 9/5 ở Việt Đức cũng đã ra viện, các ca còn lại đều trong quá trình hồi phục tốt, khoảng 2 tuần nữa các bệnh nhân ghép tạng đều có thể xuất viện.

Kíp mổ ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não được thực hiện bởi các bác sỹ bệnh viện Việt Đức.

Theo PGS. TS Quyết, sự thành công cả ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não đã mở ra triển vọng lớn đối với tương lai của những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo. Và điều này cũng chứng minh rằng, y học Việt Nam đã có thể thực hiện được tất cả những kỹ thuật khó của y học thế giới về ghép cơ quan. Đây là ca ghép gan chỉ do bác sĩ BV Việt Đức thực hiện trong cấp cứu, không có giúp đỡ của nước ngoài, thời gian thực hiện ghép nhanh, 5 giờ 20 phút. Trong khi những ca như thế này ở nước ngoài phải thực hiện 7- 8 giờ. So với ca ghép gan đầu tiên ở người lớn và người cho sống ở Việt Nam được BV Việt Đức thực hiện từ năm 2007, thì lần ghép này là một bước tiến vượt bậc. Lần ghép trước có tư vấn của nước ngoài, 5-6 ngày mới rút nội khí quản, còn ca ghép mới này có thể rút luôn nội khí quản sau mấy tiếng đồng hồ.

Cận cảnh ca ghép gan.

PGS.TS Tiến Quyết cho biết, muốn lấy được tạng ở người chết não phải có hội đồng chuyên môn về tư vấn chết não và hội đồng này phải có BS pháp y, BS thần kinh, BS gây mê hồi sức. Người chết não phải là người tai nạn có chấn thương sọ não, hoặc bị tai biến về mạch máu não. Người chết não phải được hội đồng kiểm tra, xem xét, về mặt lâm sàng là mất hết các phản xạ sống. Thang điểm G phải dưới 3 điểm (người khỏe mạnh thang điểm G là 15). Còn về cận lâm sàng, chụp mạch máu không có máu lên não nữa, siêu âm doppler xuyên sọ không có phổ của mạch máu. Điện não đồ phải là một đường thẳng băng. Nếu rút máy ra thì bệnh nhân chết ngay, còn để hồi sức tế bào thì cũng chỉ được 48 tiếng là chết hoàn toàn. Chỉ khi hội đồng kết luận bệnh nhân chết rồi và được phép của gia đình thì mới tiến hành ghép. Và đặc biệt, nguyên tắc người cho không biết thông tin về người nhận và người nhận cũng không biết nguồn từ người cho là ai.

Hàng chục nghìn người đang chờ ghép tạng

Ca ghép gan chỉ do các bác sỹ của BV Việt Đức tiến hành, không có giúp đỡ của nước ngoài và thời gian thực hiện ghép nhanh (5giờ 20p).

Hiện nay, 1 ca ghép gan phải chi phí hơn 1 tỷ, tuy nhiên, ca ghép gan đầu tiên thực hiện ở BV Việt Đức được BV và Đề tài nghiên cứu khoa học tài trợ kinh phí hoàn toàn. Chi phí 1 ca ghép thận tại BV Việt Đức từ 200- 250 triệu đồng, nếu đi nước ngoài giá khoảng 35.000 - 40.000 USD (tương đương 600 triệu - 700 triệu đồng). Ghép gan tốn kém hơn nhưng thuốc chống thải ghép lại ít hơn, khoảng 2 triệu đồng/tháng, còn bệnh nhân ghép thận phải chi phí cho thuốc chống thải ghép khoảng 3-9 triệu đồng/ tháng trong quãng đời còn lại.

Theo PGS. TS Tiến Quyết, khi cái chết của người này lại là sự sống của người khác thì việc hiến tạng từ người chết não là hết sức nhân văn. Để hiến tạng trở thành một nghĩa cử cao đẹp trong thói quen suy nghĩ của nhiều người rất cần được giáo dục, truyền thông. Ngoài ra, các cơ quan của Bộ Y tế và Nhà nước cần có chế độ giải quyết chính sách tốt đối với thân nhân của những người chết não hiến tạng.

Vui mừng trước thành tựu mới của BV ngoại khoa đầu ngành, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ, để tiến hành cho việc ghép gan từ người chết não từ lâu BV Việt Đức đã chuẩn bị đầy đủ về con người và điều kiện cơ sở vật chất. Có những chuyên gia giỏi đã đi tu nghiệp ở nhiều nước trên thế giới; có đầy đủ trang thiết bị để phục vụ cho ghép tạng. BV đã thực hiện thành công đề tài ghép tạng từ người cho chết não do Bộ khoa học và Công nghệ giao cho BV Việt Đức.

Mặc dù trên thế giới, ghép cơ quan nói chung và ghép gan, thận, tim, ở người chết não đã được thực hiện khoảng 40-50 năm nay. Ở Việt Nam, ghép cơ quan đã được Giáo sư viện sĩ Tôn Thất Tùng chuẩn bị từ những năm 1967, 1968 nhưng do điều kiện chiến tranh, điều kiện kinh tế nên mãi sau này mới tiến hành được.

BV Việt Đức được Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ phải tiến hành ghép tạng nói chung và ghép tạng từ người cho chết não nói riêng. Mỗi ngày ở BV Việt Đức có khoảng 5 ca chết não. Về mặt thủ tục, Luật cho hiến tạng đã được Quốc hội thông qua, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo dưới Luật nhưng vẫn rất ít người hiến tạng. Trong khi đó, nhu cầu được ghép tạng ở Việt Nam hiện nay rất lớn, có tới chục nghìn người chờ ghép thận, hàng nghìn người đang chờ ghép gan và ghép tim để hồi sinh sự sống. BV Việt Đức luôn sẵn sàng đón nhận và mong muốn có thêm nhiều người hiến tạng từ người chết não để cứu sống những bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo. Hoài Nam